Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dành một chương (Chương II) có 37 điều quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua nghiên cứu, đúng là những quyền cơ bản của công dân đã được đề cập trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này. Nhưng theo tôi vẫn còn một quyền quan trọng mà trong dự thảo chưa được đề cập tới. Đó là quyền giám sát; giám sát các hoạt động của Đảng, của Nhà nước của cả hệ thống chính trị. Do đó, tôi đề nghị nên bổ sung vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp là “quyền giám sát của nhân dân…”. Vì, tại Điều 4 và Điều 8 của dự thảo có quy định Đảng, cán bộ công chức chịu sự giám sát của nhân dân.
Chương V, Quốc hội. Điều 74 dự thảo nêu, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi đề nghị: Quốc hội là cơ quan đại biểu tối cao của nhân dân… Để khẳng định vị thế cuả cơ quan đại biểu của nhân dân - Quốc hội; mặt khác, chỉ có Quốc hội mới có quyền bầu Chủ tịch nước. Về từ ngữ, tránh được sự trùng lập với cụm từ “quyền lực Nhà nước cao nhất”.
Chương IX, Chính quyền địa phương. Điều 115, khoản 1, dự thảo nêu “Nước chia thành thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”; đề nghị bổ sung đặt khu. “Nước chia thành thành tỉnh, thành phố, đặt khu trực thuộc trung ương”. Vì, Hiến pháp sửa đổi lần này có tính đến sự tồn tại, ổn định lâu dài. Do đó, quá trình phát triển của đất nước đòi hỏi sự hình thành các đặc khu kinh tế - hành chánh là có thể xảy ra. Ví dụ: Đặc khu kinh tế - hành chánh Phú Quốc. Hình thành đặc khu trực thuộc trung ương là khẳng định địa vị pháp lý, vị thế của một đơn vị Hành chánh – kinh tế trực thuộc trung ương trong quan hệ giao dịch, ngoại giao và cả các mối quan hệ khác.
Điều 117, đề nghị bổ sung quy định số lượng đại biểu HĐND chuyên trách. Vì, thực tế số đại biểu chuyên trách hoạt động thường xuyên, hiệu quả công việc cao. Để hoạt động HĐND hiệu quả cao hơn, đề nghị nên có quy định ít nhất 1/3 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Điều 118, đề nghị bổ sung quy định đối tượng chất vấn. Không chỉ “đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân” mà phải tất cả thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng cấp trở lên đóng trên địa bàn. Vì, theo quy định hiện hành, như trong dự thảo là chưa đủ, chưa bao quát hết các cơ quan chiụ sự giám sát của HĐND (thông qua chất vấn). Ví dụ: Ở trung ương, Bộ Tài chính, là cơ quan thuộc Chính phủ, mọi chính sách thu (cả thuế nội địa và Hải quan) và chế độ chi, đều do Bộ Tài chính nắm, nên Quốc hội giám sát (chất vấn) Bộ Tài chính là bao trùm mọi vấn đề có liên quan đến thu chi ngân sách. Ở tỉnh các đơn vị như: Cục thuế, Cục hải quan và các cơ quan khác đóng trên địa bàn (không thuộc Sở Tài chính, không thuộc UBND tỉnh)… có chức năng áp dụng chính sách thuế, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý và thu thuế, tác động trực tiếp đến đối tương nộp thuế, tác động đến đời sống, xã hội trên địa bàn. Mặt khác, theo quy định “ cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…”.
Lâm Quang Gẫm